Gần đây tôi có đọc quyển sách trong đó có một câu khiến tôi rất ấn tượng:
"Phần lớn những thất bại thực sự đều bắt nguồn từ những giới hạn mà con người tự đặt ra trong tâm trí mình".
Có người tự cho rằng mình không thể vẽ, bơi, đàn. Cũng có người rất thích kinh doanh nhưng ngay từ đầu đã nghĩ rằng mình không thể. Đối với việc viết cũng vậy, nếu chưa từng học giỏi văn chúng ta vẫn có thể viết. Hi vọng bài viết nhỏ này sẽ giúp ích cho việc chúng ta viết mỗi ngày. Ai cũng có nhu cầu viết hằng ngày. Dù để thể hiện quan điểm, cảm xúc hay chỉ là mô tả trạng thái trên trang cá nhân. Bạn có thấy đôi khi một bức ảnh đẹp cũng khiến chúng ta đau đầu nghĩ “caption” sao cho phù hợp nhất?
Đã có người nói với tôi:“Em cần viết đúng đã. Em viết đúng tự khắc sẽ hay”. Vậy thì có một số nguyên tắc cơ bản của một bài viết đúng chúng ta cần nắm được để truyền tải rõ ràng hơn thông điệp của mình.
1. Viết câu ngắn gọn, súc tích
Khi bắt đầu viết tôi luôn muốn làm rõ nhiều ý trong một câu. Tôi hay sử dụng dấu chấm phẩy để ngăn cách các ý lớn. Trong mỗi ý lớn đó tôi lại dùng dấu phẩy để ngăn cách các ý nhỏ. Có những câu văn của tôi dài đến 75 từ tương đương 4 dòng.
Khi viết nhiều hơn và đặt mình vào vai trò độc giả, tôi thấy khó hiểu khi đọc lại những câu văn rất dài đó. Tôi đã nhiều lần phải tự “chấm” ở trong đầu để cố gắng cắt nghĩa một câu quá dài. Chúng ta không nên dùng một câu để diễn tả nhiều ý mà chỉ nên phát triển một ý duy nhất ở trong một câu. Hãy mạnh dạn sử dụng dấu chấm câu.
2. Tránh lỗi lặp từ
Nếu một từ được nhắc đến nhiều lần thì cả đoạn văn bị rườm rà. Đừng nhầm lẫn lỗi này với biện pháp tu từ điệp ngữ. Điệp ngữ chỉ được sử dụng khi thật cần thiết và có mục đích rõ ràng.
Mẹo nhỏ: bạn có thể sử dụng những từ đồng nghĩa trong một đoạn văn. Chẳng hạn, khi viết về chủ đề gia đình và trẻ nhỏ, tôi sẽ sử dụng luân phiên các từ “trẻ, bé, con” khi nói về “đứa trẻ” và “phụ huynh” khi nói về “bố mẹ”. Nếu thấy một đoạn văn chưa đủ “mượt mà” hãy đọc to lên để phát hiện các lỗi lặp từ nếu có nhé. Ngoài ra mạnh dạn ngắt đoạn cũng là cách chúng ta tránh lỗi phổ biến này.
3. Đọc lại và chỉnh sửa
Đọc lại và chỉnh sửa quan trọng tương đương với khâu viết. Biên tập là cách tốt nhất để người viết tư duy lại toàn bộ tác phẩm của mình, kiểm tra tính logic, rà soát lỗi chính tả, xưng hô không thống nhất.
Sai chính tả là lỗi cơ bản và cũng quan trọng nhất. Chúng ta dễ dàng mắc phải nhưng hoàn toàn có thể được chỉnh sửa kịp thời thông qua việc đọc lại nhiều lần trước khi đăng tải bài viết.
4. Tránh lỗi lặp ý
Mỗi bài viết thường có ít nhất 3 luận điểm để làm rõ cho chủ đề chính. Mỗi luận điểm có thể được chứng minh bởi nhiều đoạn. Để cả bài viết được mạch lạc và dễ hiểu, người viết nên ưu tiên triển khai mỗi đoạn một ý.
Lập dàn bài là cách giúp người viết xác định được mình sẽ triển khai những ý lớn nào. Ngoài ra vẽ sơ đồ tư duy cũng là cách nhiều tác giả sử dụng để tránh lỗi lặp ý trong bài viết.
5. Đảm bảo kết cấu một bài viết
Bài học vỡ lòng môn văn luôn là chúng ta phải viết đủ ba phần mở bài - thân bài - kết bài. Dù nhằm mục đích cung cấp thông tin, quảng cáo hay viết chuẩn SEO thì đều cần đảm bảo nguyên tắc này.
Phần mở bài là cách chúng ta giới thiệu về vấn đề sẽ được nhắc đến. Thân bài là nội dung chính của bài viết. Kết luận là việc tóm tắt lại ý chính hoặc kêu gọi mọi người làm một điều gì đó. Ngoài ra đặt tiêu đề cho bài viết cũng là cách các tác giả thu hút đối tượng độc giả của mình.
Nếu chưa từng học giỏi văn chúng ta vẫn có thể viết. Nhiều người thành công trong nghề viết cũng bắt đầu từ những câu văn ngô nghê nhất. Hiểu được các nguyên tắc của một bài viết giúp chúng ta viết đúng và hay hơn. Dành ra 5-10 phút mỗi ngày để tập viết và bạn sẽ nhận ra sự thay đổi tích cực! Nguồn ảnh: Unsplash
Opmerkingen